Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa phái sinh
ban 班
◎ “ban” chữ chỉ sự, giữa là bộ đao, hai bên là hai chữ ngọc, xưa cắt đôi miếng ngọc để hai bên cùng làm tin, như “cắt ngọc thuỵ để ban cho các vua chư hầu” (班瑞于群后) [Kinh Thư - thuấn điển]. Sau phái sinh sang nghĩa “ngôi, thứ, hàng, chỗ bách quan tụ hội chia ra từng ban để phân biệt trên dưới”, tiếng Việt còn có lưu tích như lưu ban (đúp lớp), đồng ban (cùng hàng), ban ngành, ban bộ, ban bệ. Từ nghĩa không gian, “ban” mở rộng sang nghĩa thời gian trỏ các “lớp thời gian được phân tách theo tri nhận của người bản ngữ”, ví dụ “ban” là khoảng thời gian được chia theo ca làm việc, như giao ban, ban ca, tiếng Hán có các cụm 三班倒;上夜班 (quãng đầu nửa đêm). “ban: c.n. hàng, sọc, phiên, thứ, đương lúc. Ban sơ: hồi đầu hết, trước hết. Ban đầu. id. ban ngày. Ban đêm. Ban mai. Ban hôm: buổi tối. Ban chiều. Ban trưa. Ban tối. [Paulus của 1895: 28].
dt. <từ cổ> buổi, khoảng thời gian nào đó trong ngày hoặc đêm. Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ, trời ban tối ước về đâu? (Ngôn chí 14.8)‖ Giữa giáp canh ban trống ba. (Hồng Đức QATT b.42)‖ Những khi bóng ác ban (đào duy từ- Tư Dung Vãn, c. 143).
dt. HVVD <từ cổ> khi, lúc, đứng trước tính từ, trỏ quãng thời gian nào đó của đời người. Tuổi tàn, cảnh đã về ban muộn, tóc bạc, biên khôn chác lại xanh. (Tự thuật 113.3)‖ Thương ôi tuổi tác kẻ ban già. (Bạch Vân Am b.93)‖ Đặng tuấn thế đã ban nghèo. (TNNL c. 2055).
bợ 把
◎ Phiên khác: bẻ cây = tỉa cây (ĐDA), bả cây: dựa vào cây (Schneider), bả cây: chăm nom (PL). Nay theo TVG, BVN.
đgt. <từ cổ> “nâng phía dưới mà đỡ lên. bợ lấy: chịu lấy, nâng lên” [Paulus của 1895: 9], dấu tích còn trong từ bợ đỡ (bợ = đỡ, sau mới có nghĩa phái sinh là trỏ những kẻ hay đi hầu hạ phục dịch để lấy lòng người khác). ở đây trỏ việc nâng niu chiêm ngưỡng bông hoa. Xét, muốn “hớp nguyệt” thì phải “nghiêng chén”, cũng vậy muốn “xem hoa” thì phải “bợ cây”, như vậy là chuẩn đối, các hành động đều hướng về một đối tượng. Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén, ngày vắng xem hoa bợ cây. (Ngôn chí 11.4).
chiều 朝
dt. <từ cổ> buổi, đứng trước các từ thời gian như mai (sáng), hôm (chiều), xuân. Đủng đỉnh chiều hôm giắt tay, trông thế giới phút chim bay. (Mạn thuật 26.1)‖ (Trúc thi 221.1)‖ Chiều mai nở chiều hôm rụng, sự lạ cho hay tuyệt sắc không. (Mộc cận 237.3). “chieu hom” [Morrone 1838: 219]. Ban đầu ,chiều là từ trỏ không gian “chìu: chỗ uất khúc vạy vò” [Paulus của 1895: 145], như Thng ruột đau chín chiều dịch từ câu “tràng nhất nhật nhi cửu hồi” của Tư Mã Thiên, sau mới chuyển sang nghĩa phái sinh thứ hai là “hướng chuyển động” như chiều hướng [An Chi 2005 t1: 38] và trỏ thời gian.
chừng 程
◎ Nôm: 澄 dt. âm HHV của trình 程, trỏ quãng đường hoặc quãng thời gian xác định đại khái. trình 程 là chữ hình thanh, gồm bộ hoà 禾 (nghĩa phù) và chữ trình 呈 (thanh phù). Nghĩa gốc là trỏ việc cân đo cũng như dụng cụ đo lường lúa gạo. Sách Tuân Tử thiên Chí sĩ : “chừng là cái chuẩn của vật, lễ là cái chuẩn của tiết độ; chừng để định số lượng; lễ để định nhân luân” (程者、物之準也,禮者、節之準也;程以立數,禮以定倫 trình giả vật chi chuẩn dã, lễ giả tiết chi chuẩn dã; trình dĩ lập số, lễ dĩ định luân). Nghĩa phái sinh của trình/ chừng là trỏ hạn độ (đo lường), giới hạn (thời gian), ví dụ: bài Nguỵ đô phú có câu: “đêm trăng có hạn” (明宵有程 minh tiêu hữu trình). Phái sinh tiếp, trình còn để trỏ giới hạn của không gian, quãng đường, như lộ trình. Rồi được dùng để trỏ cả quãng đường lẫn con đường.
dt. <từ cổ> quãng đường hoặc khoảng thời gian xác định đại khái. [Vương Lộc 2001: 36]. Non tây bóng ác đã măng tằng, dìn đỉnh tùng thu vãng chừng. (Tự thán 98.2)‖ Chiều người ngựa cũng vui chân qua chừng (lưu nữ tướng, c. 268)‖ ai ngờ gặp đứa gió trăng, cho nên khuất nẻo lạc chừng khốn thay! (trinh thử, c. 65-66)
cổi 解
◎ Nôm: 檜 Đọc theo âm HHV [PJ Duong 2013: 158]. AHV: giải. “Cổi: lột ra. Cổi áo ra. Cổi dêi ra” [Rhodes 1651 tb1994: 65]. Sau này đọc thành cởi. Chữ “giải” trong tiếng Hán trỏ việc dùng dao (刀) bổ đôi sừng trâu (牛角), sau mới cho nghĩa phái sinh là “cởi bỏ” (untie). Ss đối ứng kot (7 thổ ngữ Mường), kɤj (6 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 201].
đgt. <từ cổ> tháo nút buộc, đọc theo âm THV. Nghìn dặm xem mây nhớ quê, chẳng chờ cổi ấn gượng xin về. (Bảo kính 155.2)‖ Xin về xưa cổi ấn Ngu Khanh. (Bảo kính 169.4)‖ dịch chữ giải ấn từ quan.
đgt. <từ cổ> dịch chữ giải sầu 解愁, giải phiền 解煩, giải ưu 解憂. Cuộc lần cờ thấp tan ngày diễn, bếp thắng chè thô cổi khuở âu. (Bảo kính 154.6), dịch câu kỳ cục tiêu trường hạ 棋局消長夏 (cuộc cờ tiêu ngày hè dài) của Tô Thức‖ Nào của cổi buồn trong khuở ấy, có thơ đầy túi, rượu đầy bình. (Tự thán 86.7).‖ Cổi lòng xuân làm sứ thông. (Thái cầu 253.2).
đgt. <từ cổ> cởi bỏ, dịch chữ giải tục 解俗. Cổi tục, chè thường pha nước tuyết, tìm thanh, khăn tịn nhặt chà mai. (Ngôn chí 2.3)‖ Cổi phàm tục. (Bảo kính 187.5). cởi. x. giải.
lẻ 󰭺 / 𬯰
◎ {lễ 礼+ chích 隻}. Đây là chữ Nôm hậu kỳ lạc vào khi dọn bản. Thế kỷ XV ghi 礼, tư phòng: buồng lẻ đột vào chẳng kham (CNNA 24). Kiểu tái lập: *mlẻ. *mlẻ > rụng [m-] > lẻ. Chữ nhỏ lẻ sau đồng hoá xuôi thành nhỏ nhẻ và phái sinh nghĩa khác. Ss đối ứng lɛ⁴ (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 235].
tt. đơn, trái với kép. Ngoài ấy dầu còn áo lẻ, cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng (Tích cảnh 208.3)‖ (Mai thi 225.3).
rỡ 焒
◎ Trùng hình với “lửa”. Xét, “lửa” và “rỡ” đều là đồng nguyên tự. Trong đó, “lửa” (danh từ) là nguyên từ. Trong lịch sử hai chữ này cũng chỉ dùng thanh phù . Một phái sinh khác còn thấy trong tiếng Katu là rạ? (bén lửa) với tư cách là động từ [NH Hoành 1998: 248]. Kiểu tái lập là *hra³ sẽ cho lửarỡ (tính từ, động từ bất cập vật) [TT Dương 2013b].
tt. đgt. rực lên, làm cho rực rỡ lên. Ngày chầy điểm đã phong quần đỏ. Rỡ tư mùa một thức xuân (Trường an hoa 246.4).
sâu 龝
◎ Nôm: 蝼 (thanh phù lâu 娄). AHV: thu. Đây vốn là chữ tượng hình trong giáp cốt văn, vẽ hình con trùng đang leo lên thân cây. An Chi cho rằng sâu là âm gốc Hán rất xưa của thu - mùa của sâu bọ. “mùa sâu” là mùa côn trùng kêu rả rích, cây cối tàn tạ, nên còn gọi là mùa sầu. Tuy nhiên, trong tiếng Hán, chữ 秋 không còn bảo lưu nghĩa “mùa sâu” nữa, mà chỉ có nghĩa phái sinh “sầu” (秋 thu: sầu, và 愁 sầu: sầu). [An Chi 2006: 190-194]. Kiểu tái lập: *krau¹ [TT Dương 2012c]. Xét, sâu gốc Hán, bọ - dòi gốc Việt-Mường. Ss đối ứng doj (13 thổ ngữ Mường), ʂɤw (3) [NV Tài 2005: 267]. x. ruồi.
dt. loài trùng chuyên ăn thảo mộc. Chẳng ngừa nhỏ, âu nên lớn, nẻo có sâu, thì bỏ canh. (Bảo kính 136.6).
đục đục 濁濁
AHV: trọc trọc.
tt. HVVT <từ cổ> nhiều vẩn, nhiều cấn. Sau trại âm thành đùng đục và phái sinh theo nghĩa khác. Chớ người đục đục, chớ ta thanh, lấy phải thì trung, đạo ở kinh. (Bảo kính 156.1). x. chớ người đục đục.
cái 介
◎ Nôm: 丐, 𡛔 (thanh phù cái 丐). Âm phiên thiết: cổ bái thiết 古拜切 (Quảng vận) [Hán ngữ đại tự điển 1995: 103], cư bái thiết, tịnh âm cái 居拜切,𠀤音戒 (Tập vận, Vận hội, Chính vận); AHV: giới.
tt. <từ cổ> lớn, to. Sách Nhĩ nhã ghi: “Cái: lớn vậy” (介大也). Kinh dịch ghi: “Nhận phúc lớn này, từ tiên Vương Mẫu” (受茲介福,于其王母), Vương Bật chua: (受茲大福) [Hán ngữ đại tự điển 1995: 104]. Tiếng Việt còn bảo lưu một số từ như sông cái (>< sông nhánh), rễ cái (>< rễ phụ), cột cái (>< cột quân), đường cái (>< đường nhỏ), nhà cái,... Sau, mới chuyển thành danh từ với nghĩa (cái chủ, cái chính, kẻ đứng đầu, cầm trịch), như cầm cái, làm cái, bắt cái.
dt. HVVD. <từ cổ> mẹ [An Chi 2005 T2: 203], nghĩa này dẫn thân từ nghĩa “to, lớn”, như sông cái = sông mẹ [Paulus Của 1895: 90], do mẹ cũng có nghĩa tương tự: cái lớn cái nặng là mẹ, cái nhỏ cái nhẹ là con” [Từ hải, chuyển dẫn An Chi 2005 T2: 204]. Vì thế, cái đã chuyển dụng sang nghĩa “mẹ”, “giống cái”. (Ngôn chí 21.8). Nhắn bảo phô bay đạo cái con, Nghe lượm lấy, lọ chi đòn. (Huấn nam tử 192.1)‖ con dại cái mang tng. Đạo cái con: là đạo của con đối với mẹ, còn có biến thể đảo âm là “con cái”. Âm PVM: *ke? [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Ss đối ứng kaj (18 thổ ngữ Mường), maj (2 thổ ngữ), me (4 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 219], kạn (Katu) [NH Hoành 1998: 252]. Cái / gái - mái - mẹ là các từ đồng nghĩa/ gần nghĩa vào thời cổ, có khả năng nghĩa gốc đều trỏ “giống cái” hoặc “mẹ”. Mẹ / mạ / / me (媽), mụ (媒), u (媼) là từ gốc Hán, cái / gái gốc Việt-Mường, mái chưa rõ gốc, nạ - bầm gốc Việt.
dt. <từ cổ> âm cổ của gái, phái sinh từ nghĩa ②, “mẹ” > giống cái, con gái nói chung. “Con cái: con trai và con gái, chỉ dùng cho người” [Rhodes 1651: 51]. Thế sự trai yêu thiếp mọn, Nhân tình cái nhớ chồng xưa. (Bảo kính 179.6). “Lại cái: nguyên là đàn ông mà giả dạng đờn bà; không phải đực không phải cái” [Paulus Của 1895: 90].